LỊCH SỬ ĐẠO TIN LÀNH

Về mặt lịch sử giáo hội, từ ban đầu chỉ có một giáo hội mà thôi. Từ khi Chúa Giêxu sống lại, về trời trong thế kỷ thứ nhất, các môn đồ Ngài vâng lời Ngài đi ra rao giảng đạo Chúa khắp nơi và có nhiều người tin theo Chúa. Những người này họp nhau học lời Chúa, cầu nguyện, thờ phượng Chúa… và được gọi là “Christian” nghĩa là người theo Đấng Christ hay người theo Chúa Cơ Đốc, mà ngày nay gọi ngắn lại là Cơ Đốc Nhân. Vậy ban đầu chỉ có Cơ Đốc Giáo mà thôi. Tuy nhiên cùng với thời gian, Cơ Đốc Giáo phát triển lan rộng, có quy cũ tổ chức hẳn hoi. Cùng với sự phát triển đó cũng có những sự lệch lạc trong cách giảng dạy và giải thích Kinh Thánh, những nghi thức tôn giáo do con người đặt ra xen vào giáo hội. Vì vậy mà càng lúc giáo hội Cơ đốc càng đi xa khỏi sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Đến thế kỷ 16, xuất hiện một số sự suy đồi trong giáo hội (tham khảo bộ sách “Tôi biết gì – Lịch sử Đạo Tin Lành” và “Lịch sử đạo Thiên Chúa” NXB Thế Giới. Website: www.thegioipublishers.com.vn/en/home/).

http://www.thegioipublishers.com.vn/en/books/detail.php?idbooks=395

Martin Luther, một tu sĩ trong dòng tu Cơ Đốc, đã đứng ra kêu gọi giáo hội sửa đổi những sai trật để đi đúng lại với niềm tin ban đầu của Kinh Thánh. Vấn đề chính ông đưa ra là sự cứu rỗi chỉ bởi đức tin mà thôi mà không bởi chút công trạng nào của con người. Con người không thể dùng tiền bạc hay công trạng nào của mình để mua lấy sự cứu rỗi. Ông cũng đề nghị bỏ đi một số hình thức tôn giáo mê tín sai lạc của giáo hội lúc bấy giờ. Giáo hội lúc ấy đã bác bỏ đề nghị của Martin Luther và vì thế mà Luther cùng với một số người khác đã lập nên giáo hội Cải Chánh (Protestantism, Evangelicalism dịch chính xác là Kháng cách và Phúc Âm) mà ngày nay tiếng Việt gọi là giáo hội Tin Lành. Chữ “Tin lành” ở đây nghĩa là tin tức tốt lành có Chúa Cứu Thế Giê-su xuống trần gian chịu chết thay cho tội lỗi của nhân loại để qua đó mọi người đều được cứu rỗi linh hồn. Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3: 16)

Thế kỷ XVI, Giáo Hội Tin Lành được thành lập, sau khi tách rời khỏi Công Giáo La Mã trong cuộc cải chánh Giáo Hội Công Giáo La Mã của Tu sĩ Martin Luther ở Đức Quốc, Mục sư Ulrich Zwingli ở Thụy Sĩ, nhà thần đạo John Calvin ở Pháp Quốc và vua Henry VIII ở Anh Quốc. Các cuộc cải chánh này nhằm mục đích đưa tín hữu trở lại niềm tin đúng theo các giáo lý trong Kinh Thánh như lúc ban đầu và bất phục tùng Giáo Hoàng ở La Mã.

Trong thời cải chánh ở thế kỷ 16, lịch sử ghi nhận có bốn Hội thánh Tin Lành Cải Chánh nổi bật nhất đó là Lutherans, Calvinist, Anabaptists và Anh Quốc Giáo. Từ thế kỷ XVI cho đến nay, người ta ghi nhận có nhiều Giáo Hội Tin Lành khác được thành lập như: Trưởng Lão, Quakers, Báp-tít, Ngũ Tuần, Giám Lý, Phúc Âm Liên Hiệp, Mennonite, Nazarene,  Anh Em, Hội Thánh Đấng Christ, Church of God in Christ, Giáo Hội Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giê-su Ki-tô…

Mặc dầu, các Giáo Hội Tin Lành không hoàn toàn đồng ý với nhau về một vài giáo lý hay phương cách hành đạo, nhưng tất cả đều nhất trí không thuận phục Giáo Hoàng của Công Giáo La Mã. Chấp nhận Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất của các vấn đề thuộc đức tin và phương cách hành đạo của tín hữu thuộc Giáo Hội Tin Lành.

Đa số Giáo Hội Tin Lành tin sự cứu rỗi là do ân điển của Đức Chúa Trời và bởi đức tin của tín hữu đặt vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-su. Trái lại, Công Giáo La Mã cho rằng ngoài ân điển của Đức Chúa Trời và đức tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-su ra tín hữu cần phải làm thêm những điều phước đức theo lời dạy của Giáo Hội Công Giáo La Mã thì mới được cứu. Sự khác biệt về giáo lý cứu rỗi này là nguyên động lực chính, làm cho Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh tách rời khỏi Công Giáo La Mã hồi thế kỷ XVI.

Dù đã tách khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã, Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh vẫn giữ giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi, sự chết chuộc tội và sự sống lại của Đấng Christ, nghi lễ Báp-têm và Tiệc Thánh.

Năm Tín lý Duy nhất là năm mệnh đề bằng tiếng Latin xuất hiện trong thời kỳ Cải cách Kháng Cách hầu tóm lược năm tín lý căn bản của những nhà cải cách, và nhấn mạnh đến những dị biệt đối với giáo huấn của Giáo hội Công giáo Rôma thời ấy.

  • Sola gratia (Duy Ân điển)

Chỉ bởi ân điển mà con người nhận lãnh sự cứu rỗi, không phải bởi công đức. Như thế, cứu rỗi là sự ban cho đến từ Thiên Chúa, không phải từ nỗ lực của con người. Tín lý này đi ngược với giáo lý công đức của Công giáo.

  • Sola fide (Duy Đức tin)

Con người được xưng công chính (nghĩa là trở nên vô tội trong mắt Thiên Chúa) chỉ bởi đức tin, không phải bởi việc lành. Theo giáo huấn Kháng Cách, đức tin dẫn đến sự cứu rỗi luôn luôn sản sinh các việc lành. Giáo lý này có thể được tóm lược trong mệnh đề sau “Đức tin dẫn đến sự xưng công chính và việc lành”, trái với xác tín của Công giáo “Đức tin và việc lành dẫn đến sự xưng công chính”. Tín lý này đôi khi được xem là nguyên lý nền tảng hình thành cuộc cải cách do vai trò trọng tâm của nó trong học thuyết Martin Luther.

  • Sola scriptura (Duy Thánh Kinh)

Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa, là thẩm quyền và mặc khải duy nhất đến từ Thiên Chúa được ban cho mọi người (nghĩa là mọi người có thể hiểu và tự giải thích Kinh Thánh). Học thuyết này đi ngược lại giáo huấn của Giáo hội Công giáo cho rằng Kinh Thánh chỉ nên được giải thích theo Truyền thống Tông đồ thánh bởi Magisterium (gồm có Giáo hoàng và các giám mục tại các công đồng của giáo hội). Sola scriptura đôi khi được gọi là nguyên lý hình thái của cuộc cải cách bởi vì nó giúp củng cố tín lý sola fide (duy đức tin).

  • Solus Christus hoặc Solo Christo (Duy Chúa Cơ Đốc)

Chúa Cơ Đốc là Đấng Trung bảo duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Không phải Mary (Maria hoặc Ma-ri), hoặc các thánh, cũng không phải linh mục (hoặc bất kỳ ai khác ngoài Chúa Cơ Đốc) có thể hành xử như là đấng trung bảo để đem sự cứu chuộc đến cho loài người. Tín lý này là bất đồng với giáo lý Công giáo về sự cầu nguyện thay của các thánh và về chức năng của linh mục.

  • Soli Deo gloria (Duy Thiên Chúa được tôn vinh)

Mọi vinh hiển đều dành cho Thiên Chúa, vì sự cứu rỗi là công việc bởi tay Ngài làm – không chỉ là sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, nhưng còn là sự ban cho đức tin hầu con người được cứu rỗi bởi sự chuộc tội ấy. Những nhà cải cách tin rằng con người (như các thánh và giáo hoàng của Giáo hội Công giáo) và tổ chức (Giáo hội) không xứng hiệp để nhận sự tôn vinh ấy.

(Thông Công Hà Nội sưu tầm)