Một số Hội Thánh tại Miền Bắc Việt Nam

Kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu một số nét sơ lược về lịch sử và sự phát triển của một số Hội Thánh tiêu biểu tại miền Bắc hiện nay.

Vài nét sơ lược về Tổng Hội Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc từ năm 1954 đến nay

–    Ngày 10-12/4/1955: Đại Hội Tổng Hội lần thứ nhất, tại Hà Nội. Quyết định đặt Trụ Tổng Hội tại số 2, Ngõ Trạm, Hà Nội.

–    Năm 1958: Chính thức được công nhận tư cách pháp nhân.

–    Năm 1962 – 1964: Trường Kinh Thánh mở tại Hà Nội khóa thứ nhất với 10 sinh viên.

–    Ngày 30/6/1963: Bản điều lệ chính thức của Tổng Hội được phát hành.

–    Năm 1988 – 1993: Trường Kinh Thánh mở tại Hà Nội khóa thứ 2 với 15 sinh viên.

–    Ngày 1-2/12/2004: Đại Hội đồng Tổng Hội lần thứ 32 khóa 2004 – 2008, tại nhà thờ Tin Lành Hà Nội sau 20 năm gián đoạn.

–    Ngày 24-25/2/2009: Đại Hội đồng Tổng hội lần thứ 33 khóa 2009 – 2013, tại nhà thờ Hoành Nhị.

–    Năm 2008: Lớp Thần học tại chức cho Nhóm trưởng sắc tộc khóa thứ nhất.

–    Năm 2011: Lớp Thần học tại chức khóa thứ 4 được mở, mỗi khóa có 55-65 học viên.

Mục sư Hội Trưởng hiện nay: Mục sư Nguyễn Hữu Mạc.

Cổng trước nhà thờ Tin Lành Hà Nội

HỘI THÁNH TIN LÀNH HÀ NỘI

* Địa chỉ: số 2 Ngõ Trạm, Hà Nội

* Thành lập: năm 1915

* Các nhà sáng lập: Giáo sĩ Cadman góp công xây dựng với những tín đồ đầu tiên là các cụ Nguyễn Đức Thục, Trần Thị Sửu, Tôn Thất Thùy, Nguyễn Thiện Đạo, Nguyễn Gia Hài, Nguyễn Duy Tiếu…

* Các bước phát triển:

+ Khoảng năm 1920 ngôi nhà thờ nhỏ đầu tiên (6m x11m) đã được xây dựng.

+ Năm 1928 số tín đồ của Hội Thánh chỉ khoảng 30 người.

+ Năm 1930, ban chứng đạo đầu tiên của Hội Thánh được thành lập.

Những năm tiếp theo, công việc Chúa tại Hội thánh cũng như các vùng lân cận ngày càng phát triển. Trong thời gian này, bà Giáo sĩ Homera Dixon được cảm động sau khi thăm Hội Thánh Hà nội, đã viết thư xin được ở lại Hà nội để hầu việc Chúa.

+ Với sự giúp đỡ về tài chính và dạy dỗ của bà Giáo sĩ Dixon, Hội Thánh Hà Nội trở thành Hội Thánh mẹ với một nhà thờ, 08 nhà giảng và hai phòng đọc sách. Mỗi tuần Hội Thánh có tổng cộng 27 buổi nhóm thờ phượng và truyền giảng Tin Lành.

+ Cùng thời gian này, số tín hữu dần gia tăng, nhà thờ không đủ chỗ sức chứa cho các buổi lễ thờ, Hội Thánh đã quyết định mở rộng nhà thờ lần thứ nhất: Một phần rộng 7 mét dài 10 mét và một phần rộng 6 mét dài 10 mét ra đời.hi

+ Năm 1935-1936, nhà thờ được mở rộng lần thứ hai: rộng 10 mét dài 24 mét, với một tháp chuông;

+ Giai đoạn 1946- 1954: do chiến tranh, các vị mục sư, truyền đạo đã phải di tản cho đến khi hiệp định Genève được ký kết.

Cũng như các Hội thánh khác ở miền Bắc, Hội thánh Hà nội đã trải qua những năm tháng đầy khó khăn: cơ sở vật chất hoang tàn, quỹ Hội thánh trống rỗng, các vị mục sư, truyền đạo và gia đình vừa phải giữ vững chức vụ chăn bầy chiên lại vừa phải tự kiếm sống bằng nhiều cách: làm ruộng, chăn nuôi, làm nghề thủ công, bốc thuốc…

Tuy nhiên, nhờ ơn phước và sự quan phòng của Chúa, cùng với tấm lòng trung tín của các con cái Ngài, Hội Thánh Hà nội vẫn đều đặn duy trì các buổi nhóm sinh hoạt và tổ chức các buổi truyền giảng Tin Lành.

+ Năm 1984, nhà thờ được mở rộng lần thứ ba, phía trước và phía sau nhà thờ được kéo dài thêm 03 mét.

* Các mục sư đã làm Quản nhiệm Hội Thánh Hà nội:

–    Mục sư Dương Tự Ấp 4/1955 – 12/1961

–    Mục sư Lê Khắc Lưu: 1/1962 – 2/1966

– Mục sư Hoàng Kim Phúc  3/1966 – 1/1972

– Mục sư Bùi Hoành Thử 1/1972 – 8/1996

–    Mục sư Âu Quang Vinh: 1998 – 12/2010

(Nguồn: Hội Thánh Hà Nội)

HỘI THÁNH TIN LÀNH HẢI PHÒNG

* Địa chỉ: số 83 đường Tô Hiệu, Trại Cau, Lê Chân, Hải Phòng.

* Quá trình thành lập:

Vào năm 1884, Hội Truyền Giáo Tin lành cho các nước thuộc địa của Pháp, đã gửi vị Mục Sư đầu tiên đến thành phố Hải Phòng, để tổ chức một Hội thánh cho các tín hữu Tin lành người Pháp đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Năm 1902: Hai ông bà giáo sĩ Silvian Dayan đã đến Hải Phòng. Nhưng sau một năm ở tại Thành Phố Hải Phòng do hoàn cảnh nên ông bà đã chuyển sang Miền Nam Trung Quốc.

Theo lời của một tôi tớ Chúa: Đầu năm 1913, đã có một số ít người làm ở các tỉnh xa được nghe Tin Lành và tin Chúa… (Trong đó có cả những người Hoa sang Việt Nam sinh sống và làm việc tại Hải Phòng).

Cuối năm 1914: Tại Hải Phòng một nhóm tín hữu người Hoa hiệp tác với một ít tín hữu người Việt thành lập Hội thánh Tin Lành tại Hải Dương.

Đạo Tin lành được chính thức truyền giáo và thành lập tại Thành Phố Hải Phòng năm 1916, do giáo sĩ Jaffray người Canada.

Lúc đầu Hội Thánh phải thuê phòng nhóm của một người Hoa tại phố Cầu Đất .

Trong thời gian này: đều do các giáo sĩ và người Hoa hầu việc Chúa và phụ trách Hội thánh cho tới khi có các tôi tớ Chúa người Việt Nam.

* Xây dựng nhà thờ: Nhà thờ được xây dựng lần đầu tiên năm 1932. Năm 1942 Nhà thờ được xây dựng lần thứ hai

Năm 1948 nhà thờ được xây dựng lần thứ ba. Năm 1989 nhà thờ xây dựng lần thứ tư. Toàn bộ số tiền xây dựng nhà thờ đều do con cái Chúa dâng hiến.

Hiện nay (4/2011) nhà thờ đang được tu sửa, với kinh phí dự kiến lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Cho đến nay tại Thành Phố Hải Phòng có 3 Hội Thánh chính là Hội thánh Hải Phòng, Hội thánh Kiến An và Hội thánh Thượng Trang… Ngoài ba Hội thánh chính còn có các Hội Thánh mới như: Hội thánh Thuỷ Nguyên, Hội thánh Đồ Sơn, Hội thánh Kim Côn… cả 3 Hội Thánh đều đã có nhà nguyện.

Hội Thánh Kiến An

Hội Thánh Kim Côn

Hội Thánh Thủy Nguyên

Các vị mục sư đã làm chủ tọa Hội thánh Hải Phòng từ giai đoạn đầu thành lập cho đến nay:

–    MS Lê Ngọc Anh

–    MS Dương Tự Ấp (1938-1942)

–    MS Bùi Hoành Thử (1942-1944)

–    MS Nguyễn Văn Thìn

–    MS Nguyễn Hữu Phiên (1944-1947)

–    MS Huỳnh Kim Luyện (1947-1954)

–    MS Nguyễn Thiện Mân (1955-1989)

–    Bà QPMS Nguyễn Thiện Mân (1989-1995)

–    TĐ Bùi Văn Triệu, đồng Chủ toạ cùng QPMS Nguyễn Thiện Mân(1993-1995)

–    MS Vũ Hùng Cường (1995-2004)

–    MSNC Nguyễn Gia Huấn (từ 10/2004 đến nay.)

(Nguồn: HT. Hải Phòng)

HỘI THÁNH THƯỢNG TRANG

* Địa chỉ: xã Bát Trang, huyện An Lão, Tp. Hải Phòng.

* Quá trình hình thành:

Tin Lành đến Thượng Trang năm 1938, do cụ Vũ Văn An, tức cụ Thuận Thiên Đường (cụ Vũ Văn An là chủ hiệu thuốc Thuận Thiên Đường lúc bấy giờ) đã tiếp nhận Chúa từ TP Hải Phòng và về đây để thành lập Hội Thánh.

Cụ Vũ Văn An vốn là con út trong 1 gia đình chánh tổng, có quyền thế ở địa phương. Thời bấy giờ nhắc đến Đạo Chúa là người ta kinh hãi và thành kiến, chính vì có 1 thế lực như vậy nên Đạo Chúa đã được mở mang tại mảnh đất này.

Năm 1939 ~1940: Tín hữu trong HT đã mua được miếng đất của cụ Vũ Văn Đạt để làm nhà thờ (vị trí nhà thờ bây giờ), nhà thờ được xây dựng rất đơn sơ rộng 3 gian, mái tranh.

* Các mục sư chủ tọa

– Cụ Tạ Ngọc Đông là Truyền đạo đầu tiên.

– Cụ Mục sư Hoàng Trọng Nghi: (1941 ~ 1945)

– Cụ Mục sư: Nguyễn Văn Bảng: (1945 ~ 1946)

– Từ 1946 ~ 1950 (1951): Hội thánh không có Ms chủ tọa.

– Cụ Ms. Phan Sĩ Kiểm: 1951 ~ 1954

– Từ 1954 ~ 1970: Không có Ms chủ tọa, HT tự lo.

– Ms. Âu Thái Bình: 1970 ~ 1985?

–    Từ 1985 ~ 1992: Cụ Nguyễn Thiện Mân chủ tọa HT Hải Phòng lúc bấy giờ, mỗi tháng 1 lần về đây giảng lời Chúa.

–    Ms. Bùi Hữu Nghĩa: từ 1992 ~ 2009

–    Từ 2009 đến nay: chủ tọa là Truyền đạo Đào Xuân Thành.

Số lượng tín hữu ban đầu: khoảng trên 20 hộ gia đình

Năm 1999: Nhà thờ mới được xây dựng

(Nguồn: HT. Thượng Trang)

HỘI THÁNH ĐỒ SƠN

* Địa chỉ: Số 6, ngõ 176, đường Sơn Hải, Quận Đồ Sơn, Hải Phòng

* Thành lập: năm 1997

* Quá trình phát triển:

Ban đầu chỉ có 3 gia đình hiệp nhau lại hàng tuần tại gia đình ông Đinh Cừ, thuộc phường Vạn Hương, Quận Đồ Sơn để thờ phượng Đức Chúa Trời. Với thời gian thì “Tin Lành đồn xa” số người tin Chúa ngày càng đông, đã có hơn 100 người tiếp nhận Chúa.

Vào đầu năm 2004, HTTL Đồ Sơn được chia thành 2 nhóm: 1 nhóm thờ phượng tại gia đình ông Hoàng Đình Thiềng, thuộc phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn; 1 nhóm khác gồm 4 gia đình nhóm nhau lại tại gia đình ông Phạm Bá An, phường Ngọc Hải – Đồ Sơn để thờ phượng Chúa.

Tháng 4 năm 2004, được sự nhất trí của THHTTL, MSNC Bùi Văn Sản – chủ tọa HTTL quận Kiến An đã có văn bản chấp nhận HTTL Đồ Sơn là HT trực thuộc HTTL Kiến An. Từ đó Chúa cứu thêm nhiều người vào Hội Thánh, con số đã gần 60 người. Các ban ngành của HT được thành lập và nhóm đều đặn đặc biệt trung tín là ban phụ nữ và ban trung tráng niên.

HTTL Đồ Sơn phát triển rất nhanh, căn phòng diện tích 16m2 đã quá tải. Trước tình hình khó khăn như vậy các tôi con Chúa đã dốc lòng bền đỗ trong sự cầu nguyện và Chúa đã đáp lời, vào ngày 25/10/2005 lễ khởi công xây dựng nhà thờ chính thức được bắt đầu với tổng diện tích 2 tầng là 137,5 m2 , sau hơn 3 tháng xây dựng, Đền thờ Chúa được hoàn thành vào ngày 28/01/2006.

(nguồn: lược sử HTTL Đồ Sơn và quá trình xây dựng đền thờ)

Một điểm nhóm của Hội Thánh Bắc Sơn

HỘI THÁNH BẮC SƠN (Lạng Sơn)

* Địa chỉ: xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn.

* Thành lập: Năm 1938 Tin Lành đã theo chân các giáo sĩ và được truyền bá đến vùng núi Bắc Sơn. Năm 1942: HTTL Bắc Sơn chính thức được thành lập.

* Xây dựng nhà thờ:

– Tháng 3/2006: đệ đơn lên chính quyền xin giấy phép xây dựng nhà thờ.

– 12/12/2006: Chính quyền cấp phép xây dựng

– 3/4/2007: HTTL Bắc Sơn làm lễ đặt viên đá móng đầu tiên

– 2010: hơn 3 năm xây dựng với nhiều khó khăn về kinh phí, tấm lòng cầu xin khẩn thiết của con cái Chúa nơi đây không phai nhạt, Nhà thờ được hoàn tất với tổng chi phí gần 3,28 tỉ đồng trong đó số tiền dâng hiến là 3,24 tỉ đồng.

* Tình hình Hội Thánh:

– HT Tin Lành Bắc Sơn có 15 Hội nhánh, gồm 338 hộ, 2010 tín đồ được phát triển ở 6 xã: Tân Tri, Đồng Ý, Vũ Sơn, Chiến Thắng, Vạn Thủy, Trấn Yên thuộc huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

– Hội Thánh có 15 chấp sự thay phiên nhau giảng dạy lời Chúa tại các điểm nhóm. Ngoài ra Hội Thánh còn có 9 sinh viên đang tham gia các khóa thần học.

(Nguồn: HT Bắc Sơn & Hoithanh.com)

HỘI THÁNH MỎ CHÌ (Cúc Đường)

* Địa chỉ: xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên

* Thành lập: Năm 1989, một số lượng nhỏ người H’mong bắt đầu tin Chúa và đến tháng 9 /1989 họ đã bỏ tập tục thờ cúng ma. Hội Thánh chính thức thành lập năm 1992.

* Bốn người đầu tiên thành lập Hội thánh là các ông Ngô Văn Sào, Đào Văn Lù, Lý Văn Sung, Ngô Văn Trũ.

* Đặc điểm Hội Thánh: Người H’mong tin Chúa thông qua việc nghe đài Nguồn Sống. Họ không có Mục sư hay nhà truyền giáo nào. Phong tục người H’mong rất khác biệt. Trong gia đình nếu ông chủ (bố, chồng) tin Chúa thì cả nhà đều tin Chúa. Người H’mong không hề được dạy chữ thậm chí họ không biết đọc tiếng Việt. Nhưng chỉ sau vài tháng được cầm cuốn Kinh Thánh, họ đã có thể đọc và hiểu Kinh Thánh.

* Xây dựng Nhà thờ:

Trước đây nhà thờ ở trên đỉnh đồi Mỏ Chì. Do chưa được cấp phép làm nhà nguyện nên tín hữu phải nhóm lại tại nhà của trưởng nhóm.

Tháng 5/1998, do nhà đã quá chật và tín hữu đi nhóm lại rất khó khăn, trưởng nhóm đã bỏ ra số tiền 31 triệu đồng của riêng mua mảnh đất hiện tại để làm nhà nguyện, cách vị trí nhà nguyện cũ khoảng 4km. Từ 2008 đến 2011, nhà nguyện mới đã được xây dựng và hoàn thành.

* Quá trình phát triển:

– Từ năm 1992, sau khi tin Chúa, người H’Mông từ Bắc cạn về đây sinh sống.

– Trước năm 2006 có bốn điểm nhóm, ban Chấp sự gồm 7 người.

– Từ năm 2006-2000: ông Lý Văn Sung đã chuyển sang Bắc Sơn hầu việc Chúa do số tín hữu tăng lên và các điểm nhóm dồn lại làm một nên ban Chấp sự cũng tăng lên 16 người và số chấp sự cũng tăng lên.

– Từ năm 2000 đến nay, thầy Đào Văn Dinh lo công việc Chúa tại Hội thánh.

– Số tín hữu hiện nay khoảng hơn 600 người gồm 133 gia đình

(Nguồn: Hội Thánh Mỏ Chì)

HỘI THÁNH HOÀNH NHỊ

* Địa chỉ: xã Giao Hà, Giao Thuỷ – Nam Định.

* Quá trình thành lập:

Tháng 5/ 1931 có 3 người rời quê hương Hoành Nhị để đi tìm công ăn việc làm, đó là các cụ Nguyễn Viết Tường, cụ Phùng Hữu Lý, cụ Nguyễn Viết Miễn. Các cụ đã đi đến miền Đông chiêm trũng thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnhNam Định làm thuê, làm mướn để lo cho cuộc sống gia đình.

Các cụ đã được cụ Khái và cụ Kính, là tín hữu của Hội Thánh Nam định cũng mới tiếp nhận Chúa làm chứng cho; sau đó các cụ trở về với niềm vui ngập tràn và tiếp tục làm chứng cho người khác, các cụ như cụ Nho Bàng, cụ Phó Nhai, cụ Xã La, cụ Phùng Viết Quả, cụ Nguyễn Văn Tăng, cụ Biểu Xã, cụ Phùng Hữu Trứ, cụ Phạm Văn Trừng… đã làm đơn xin thành lập Hội Thánh.

Tháng 7/1931: TĐ Lê Khắc Lưu, TĐ Hoàng Kim Phúc cùng Ms Giáo sĩ Puret về Hoành Nhị và truyền giảng tin lành tại sân nhà cụ Nguyễn Viết Tường và đã có hàng trăm người tin Chúa.

Tháng 10/1931: một bà góa đã dâng 1,800 m2 đất để xây dựng nhà thờ.

Đầu năm 1933, Hội thánh đã làm được một nhà thờ đơn sơ mái tranh vách đất.

Tháng 7/1940, gia đình ông Chánh Thái ở Quất Lâm đã dâng 5 gian nhà gỗ của nhà mình để làm nhà thờ thay cho 5 gian nhà tre nứa tạm bợ.

* Các mục sư Hội Thánh:

Thời gian đầu cụ Ms. Dương Tự Ấp, chủ tọa HT Nam Định mỗi tuần 1 lần về đây giảng lời Chúa.

TĐ Nguyễn Thiện Tùng được cử về đây để hầu việc Chúa trong khoảng thời gian 2 tháng.

Cuối năm 1940 đến 1942, Ms Nguyễn Văn Bảng được cử về đây hầu việc Chúa.

Năm 1943, Ms. Vũ Đan Chính về làm quản nhiệm HT thay cho Ms. Nguyễn Văn Bảng.

Từ đầu năm 1946 đến 10/1953, Ms Hoàng Trọng Nhật chủ tọa HT, cũng trong thời gian này nhà thờ được xây mới, có tư thất khang trang. Nhà thờ được khởi công xây dựng vào tháng 3/1950 đến tháng 9/1951 thì hoàn thành.

Từ 1953 đến 1956, HT không có Ms quản nhiệm do đất nước có chiến tranh và bị chia cắt.

Từ 1956 đến 1965: Ms Hoàng Kim Phúc làm quản nhiệm tại HT; trong giai đoạn này HT đăng cai tổ chức 2 kỳ lễ trọng thể là Đại Hội đồng thường niên Tổng Hội năm 1960 và Hội đồng Bồi linh 1961. Và cũng năm 1960, HT có 4 thanh niên tham gia học trường KT.

Từ 1965 đến 1988: Ms Đào Xuân Minh được bổ nhiệm làm quản nhiệm HT thay Ms Hoàng Kim Phúc (Ms Hoàng Kim Phúc được bầu làm Hội trưởng).

Năm 1984, Tổng hội cử giảng sư Phùng Quang Huyến cùng cộng tác với Ms Đào Xuân Minh chăm lo công việc HT.

Tháng 7 năm 1988, Giảng sư Phùng Quang Huyến được bổ nhiệm làm quản nhiệm HT thay Ms Đào Xuân Minh và được phong chức Mục sư vào tháng 6 năm 1993.

Trong giai đoạn này nhà thờ được trùng tu 2 lần vào năm 1978, và năm 1984 xây cổng, tường bao khuôn viên nhà thờ và một số công trình khác vào năm 1991.

Năm 1996, lần đầu tiên kỷ niệm 65 năm ngày thành lập HT (20/7/1996)

Ngày 3/2/1999: Nhà thờ mới được khởi công xây dựng (HT Yark Soo – Hàn Quốc là đơn vị tài trợ chính). Sau gần 3 năm xây dựng, đến tháng 11/2011 nhà thờ cơ bản hoàn thành.

Từ năm 2003 đến cuối năm 2004, 152 m2 nhà Tư thất và nhà Cơ Đốc giáo dục cơ bản hoàn thành và được đưa vào sử dụng.

Ngày 13/4/2005, MSNC Nguyễn Hữu Mạc được bổ nhiệm làm quản nhiệm HT thay Ms Phùng Quang Huyến (Ms Phùng Quang Huyến được bổ nhiệm là Hội Trưởng).

Ngày 25/2/2009, Hội đồng tổng hội lần thứ 33 diễn ra tại Hoành Nhị và Ms Nguyễn Hữu Mạc được bầu làm Hội trưởng.

Ngày 17/6/2009 đến nay, Ms Hoàng Đức Luân được bổ nhiệm làm Quản nhiệm tại HT.

(Trích lược sử Hội thánh Tin Lành Hoành Nhị)

HỘI THÁNH KHẢ CẢNH

* Địa chỉ: xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, Thái Bình.

* Thành lập: 1933

* Quá trình thành lập:

Thời kỳ đầu tiên vào năm 1933 do một gia đình nông dân nghèo là cụ Đào Ngọc Đĩnh gặp tai nạn hai người con gái bị chết chỉ trong một thời gian ngắn. Ông ngoại chuyên làm nghề thầy cúng, thầy bói đều lấy lá số tốt cho các cháu. Khi tai nạn xảy ra cụ bà Đĩnh có hỏi bố: Tại sao bố bảo lá số các cháu tốt dễ nuôi mà bây giờ các cháu chết như thế này, thì ông bảo: Con ơi, thần thánh chỉ phù hộ cho mạnh khỏe làm ăn chứ sự sống chết là nhờ Trời. Tức thì, hai cụ đi tìm đạo thờ Trời, đi hỏi thăm người này người khác chẳng ai biết Đạo ở đâu.

Bỗng nhiên có cụ Hoàng Văn Cát người cùng khu xóm đến thăm gia đình trong lúc hoạn nạn. Các cụ ngồi trò chuyện cùng nhau, thì cụ Cát giới thiệu là tôi có người em gái lấy chồng ở Hoành Nhị có đi Đạo thờ Trời, tôi sẽ dẫn sang nếu phải thì theo. Khi cụ Cát đưa cụ Đĩnh đến người em gái, thì quả thật là em gái cụ Cát đã tin Chúa. Sau đó các cụ làm chứng và giúp đỡ nhau cùng tin Chúa. Hội Thánh chính thức thành lập vào năm 1933 với 5 gia đình: cụ Cát, cụ Đĩnh, cụ Túy, cụ Huấn, cụ Vuông cùng tin Chúa với nhau tại Hoành Nhị. Và HT Hoành Nhị cho biết là ở thị xã Thái Bình có nhà thờ và có Mục sư. Các chủ nhật sau đó các cụ đi bộ từ 3h sáng đến thị xã Thái Bình để nghe giảng và cả năm cứ thế. Lúc ấy ở nhà thờ Thái Bình do Mục sư Hoàng Trọng Nhật chủ tọa, khoảng 3 năm sau cụ Mục sư Nhật xin giấy phép cho làm nhà thờ. Lúc ấy dân cư còn thưa thớt và nơi đây còn là bãi sa bồi, buổi đầu các cụ ai cũng vui mừng vì tìm được Đạo sự sống cho đời này và cả đời sau.

Các cụ ai cũng muốn dâng đất làm nhà thờ ở gần nhà mình nên các cụ phải bốc thăm cụ Cát bốc được nên vượt đất nền và làm nhà thờ gần nhà cụ Cát. Bộ khung nhà thờ bằng tre vầu do cụ Thái ở Quất Lâm giúp, còn vượt nền đắp tường đất dựng bốn gian lợp rạ. Các gia đình tín đồ rất nghèo song cứ vui mừng vững lòng tin và làm công việc Chúa sốt sắng. Sau một thời gian nhà thờ bằng tre ấy bị bão đổ phải đi làm lại tới sáu lần.

* Các mục sư Hội thánh

Hội Thánh của Chúa từ khi thành lập đến nay, đã được các cụ Mục sư chăm sóc bằng lời của Chúa trong Kinh Thánh:

–    1932-1939: cụ Hoàng Trọng Nhật kiêm nhiệm.

–    1940-1946: cụ Huỳnh Kim Luyện kiêm nhiệm.

–    1947: cụ Phạm Xuân Lai (bố của cố MS Phạm Xuân Thiều)trực tiếp ở với HT

–    1948-1950: cụ Nguyễn Hữu Phiên trực tiếp ở với HT.

–    1951-1955: HT tự lo, không có quản nhiệm.

–    1956-1957: cụ Đặng Thế Phùng kiêm nhiệm.

–    1958-1992: cụ Đặng Xuân Tiếu quản nhiệm sau đó giao lại cho ông Đào Ngọc Huệ được Tổng hội giao cho quyền quản nhiệm.

–    1993~2005: Cụ Đào Ngọc Huệ làm chủ tọa HT, các thầy TĐ Đào Văn Thắng và Nguyễn Hữu Mạc cộng tác trong việc giảng lời Chúa.

–    Từ 2005 đến nay: Msnc Bùi Văn Triệu được bổ nhiệm làm quản nhiệm HT.

* Xây dựng nhà thờ:

Năm 1958 xây dựng nhà thờ, diện tích chỉ có 60m2.

Năm 1993: Tổng hội giúp đỡ tài chính xây dựng tường bao khu viên nhà thờ.

Năm 1997: HT triệu tập hội đồng bất thường để bàn về việc xây dựng lại nhà thờ

Năm 1998: Nhận được giấy phép xây dựng nhà thờ.

Năm 1999: Khởi công và năm 2001 khánh thành nhà thờ (với diện tích là 230m2.)

(Lược sử HT Tin Lành Khả cảnh)

HỘI THÁNH HOÀN DƯƠNG

* Địa chỉ: xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

* Thành lập: 1936

* Người sáng lập: Giảng sư Nguyễn Thiện Tùng.

* Quá trình phát triển:

1936 ~ 1937: Do chưa có nhà thờ nên các tín đồ phải nhóm lại thay phiên nhau ở gia đình nhà các cụ như cụ Thắng, cụ Phạng và cụ Đằng.

Tháng 7/1937: Giảng sư Nguyễn Thiện Tùng mời Mục sư Pruett về làm phép báp têm cho một số con cái Chúa, đồng thời bầu ban Chấp sự lo công việc Chúa. HT có 15 gia đình tín đồ.

Tháng 7/1937 đến tháng 8/1937: Nhà thờ Hoàn Dương được khởi công xây dựng và hoàn thành trong 1 tháng. Trong đó cụ Tụy là người dâng 5 gian nhà gỗ để làm nhà thờ. Nhà thờ rộng 7m, dài 15 m, mái ngói. Tổng diện tích đất của nhà thờ khoảng 3 sào (x 360m2) do 3 cụ là cụ Hương Nghê, cụ Thắng, và cụ Đằng dâng hiến.

1938~1939: Giảng sư Nguyễn Văn Bảng được cử về thực tập trong công tác phục vụ Chúa thay cho Giảng sư Nguyễn Thiện Tùng.

1940~1941: Giảng sư Đào Xuân Minh về hầu việc Chúa thay Giảng sư Nguyễn Văn Bảng. Thời kỳ này HT có khoảng 30 gia đình tín đồ.

1942~1943: Giảng sư Trần Trọng Giao được cử về đây thay Giảng sư Đào Xuân Minh.

1944~1950: Mục sư Lưu Văn Mão được bổ nhiệm làm chủ tọa tại HT. Thời kỳ này HT có 40 hộ gia đình tín hữu.

1951~1957: HT không có MS quản nhiệm (đất nước chiến tranh), đây cũng là thời kỳ khó khăn dẫn đến sự suy yếu của HT. Cuối năm 1951, đền thờ bị phá hủy do giặc Pháp, HT lại phải nhóm luôn phiên tại các gia đình.

20/4/1958: Ms Đào Xuân Mình được cử về đây hầu việc Chúa cho đến hết năm 1965.

22/4/1958: Cắt gỗ khởi công làm nhà thờ, sau hơn 1 tháng xây dựng HT Chúa đã có chỗ mới để nhóm lại vào ngày 8/6/1958, và lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 21/6/1958. 1966~1977: Ms Lê Khắc Lưu được bổ nhiệm về hầu việc Chúa thay Ms. Đào Xuân Minh.

1978~1990: Nhà thờ bị hư hại nặng và Hội Thánh lại không có người chăn bầy. Công việc Chúa chủ yếu do ban Chấp sự đảm nhiệm đó là các cụ trưởng lão Bùi Hồng Tiên, Hoàng Văn Dươi, Lê Khắc Dược, ông Sung và bà Phạm Thị Lượm. Thời kỳ này HT cũng rất yếu đuối, có những buổi nhóm chỉ có 2 tín hữu, có tháng chỉ nhóm 1 chủ nhật hoặc thậm chí không có sự nhóm lại.

1990~1992: HT nhóm lại trong 3 gian nhà tạm bằng đất, lợp giấy dầu, cũng trong thời kỳ này HT xin giấy phép để được xây lại nhà thờ lần thứ 3.

Tháng 6/1993: Thầy TĐ Hoàng Đức Luân tốt nghiệp trường Kinh Thánh và được bổ nhiệm làm Quản nhiệm HT cho đến năm 2009.

Tháng 6/1994: Nhà thờ mới được hoàn thành.

Ngày 12/7/2009: Ms Bùi Văn Nghĩa được bổ nhiệm về quản nhiệm Hội Thánh cho đến nay.

(trích Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Hoàn Dương)

(Nguồn: Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc)

3 bình luận

  1. […] năm 1962 với 5 người tốt nghiệp, trong đó có hai người già, đến 26 năm sau khóa tiếp theo mới được phép tổ chức. […]

  2. […] năm 1962 với 5 người tốt nghiệp, trong đó có hai người già, đến 26 năm sau khóa tiếp theo mới được phép tổ chức. […]

  3. […] năm 1962 với 5 người tốt nghiệp, trong đó có hai người già, đến 26 năm sau khóa tiếp theo mới được phép tổ chức. […]

Đã đóng bình luận.